1) Bệnh ghẻ lồi (còn gọi là ghẻ nhám, sẹo đen, tên tiếng anh là Scab)
Tác nhân gây bệnh: Nấm Elsinoe fawcetti Bitan.et jenk.
Đặc điểm nhận biết
Bệnh gây hại nặng trên Chanh và Quýt, bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây.
Trên lá bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn lá non làm lá bị biến dạng và thường nhô cao ở một mặt và lõm xuống ở mặt bên kia của phiến lá nơi có vết bệnh.
Bệnh thường biểu hiện triệu chứng tương đối khác nhau trên những loại cây có múi khác nhau.
Vết bệnh điển hình là những nốt hình tròn màu vàng rơm đến nâu nhạt, không có viền màu vàng xung quanh.
Đặc điểm phát sinh và phát triển bệnh
Bào tử nấm bệnh được phóng thích trực tiếp từ các vết bệnh trên cành, lá và trái.
Điều kiện ẩm ướt từ 1 – 2 giờ là đủ để nấm bệnh sản sinh bào tử và chỉ cần từ 3 – 4 giờ để lây nhiễm.
Bệnh phát tán và lây lan bào tử thông qua gió, nước mưa và nước tưới. Bệnh thường gây hại nặng trên những chồi và lá non.
Điều kiện nóng ẩm và nhiệt độ tương đối thấp trong mùa mưa, đặc biệt là những thời điểm giao mùa và những ngày có nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.
Đối với những vườn lắp hệ thống tưới phun mưa, việc giảm số lần tưới trong thời kì sinh trưởng của trái sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
2) Bệnh ghẻ lõm (còn gọi là bệnh đốm đen, bệnh ghẻ ruồi, tên tiếng anh là Citrus black spot – CBS)
Tác nhân gây bệnh: Nấm Phyllosticta citricarpa (giai đoạn hữu tính gọi là Guignardia citricarpa Kiely).
Đặc điểm nhận biết
Bệnh gây hại chủ yếu trên trái.
Trên lá, vết bệnh ban đầu là những vết nhỏ màu nâu đỏ, hơi gồ lên sau đó trở thành đốm hoại tử hình tròn và lõm xuống với vùng tâm vết bệnh màu sáng và rìa vết bệnh màu nâu đen.
Trên trái bệnh gây hại chủ yếu vào giai đoạn trái già đến trái chín. Bệnh đốm đen biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau trên trái, nhưng phổ biến là triệu chứng “đốm cứng”.
Vết bệnh ban đầu có hình tròn nhỏ, lõm xuống, có màu xám ở giữa và màu nâu đen ở rìa vết bệnh, bệnh thường có quầng màu xanh nhạt xung quanh.
Trên vết bệnh đã già thường xuất hiện những chấm màu đen hơi nhô cao ở trung tâm vết bệnh.
Đặc điểm phát sinh và phát triển
Bào tử nấm bệnh có thể phát tán nhờ nước mưa, nước tưới và gió, bào tử theo gió có thể di chuyển rất xa.
Những lá và trái bị nhiễm bệnh (nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bên ngoài) là mấu chốt của việc lây nhiễm mầm bệnh đến những nơi xa hơn.
3) Bệnh ghẻ loét (còn gọi là bệnh nổ lái, tên tiếng anh là Canker)
Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Citri.
Đặc điểm nhận biết
Bệnh xuất hiện cả trên lá, trên cành và trên trái.
Trên lá, triệu chứng biểu hiện của bệnh có thể không hoàn toàn giống nhau, tuỳ vào loại cây có múi và giai đoạn phát triển của bệnh.
Ban đầu vết bệnh là những chấm nhỏ sủng nước màu trắng vàng, khi phát triển mạnh vết bệnh lõm xuống và viền xung quanh nổi gờ lên, bên ngoài vết bệnh có thể có quầng màu vàng hoặc màu nâu đen.
Bệnh thường không làm lá bị biến dạng như bệnh ghẻ lồi nhưng bệnh nặng dễ làm lá rụng sớm.
Trên trái, triệu chứng tương tự trên lá, quầng vàng trên vết bệnh thường xuất hiện trên trái còn xanh, trên trái đã chín ít xuất hiện.
Điều kiện phát sinh và phát triển bệnh
Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua khi khổng và các vết thương tạo ra do sâu vẽ bùa, do tác động của gió, vết thương do xây sát lúc thu hoạch…
Bệnh gây hại phổ biến trên lá bánh tẻ và lá già. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trên các vết bệnh cũ và các lá đã rụng, các tế bào vi khuẩn có thể phát tán nhờ vào nước mưa và nước tưới, sự lây nhiễm xảy ra nhanh chóng trong điều kiện có mưa và gió lớn.
Bệnh có thể gây hại quanh năm và phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm và nhiệt độ từ 26 – 35oC. Trên các vết bệnh đã cũ có thể xuất hiện 1 loại nấm hoại sinh màu trắng phát triển trên vết bệnh.
4) Biện pháp phòng trừ
Không trồng cây với mật độ quá dày. Không đi Đạm nhiều vào mùa mưa.
Cắt tỉa cành, dọn vệ sinh vườn thông thoáng sau mỗi đợt thu hoạch.
Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng đề kháng.
Phát hiện sớm, xác định đúng tác nhân gây bệnh để sử dụng thuốc hợp lý.
Thường xuyên thăm vườn vào những giai đoạn mẫn cảm với bệnh: Khi cây đang ra lá non, cành non, trái non, sau mưa lớn hoặc những ngày có nắng mưa xen kẽ.
Khi vườn đã xuất hiện bệnh cần cắt tỉa cành bị bệnh, thu gom cành lá bệnh ra khỏi vườn trước khi phun thuốc.
CÁC LOẠI BỆNH GHẺ TRÊN CÂY TRỒNG- CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ TRỊ BỆNH GHẺ HIỆU QUẢ
Chào mừng bạn đến với website của chúng tôi
Ngày đăng:
29/07/2024 09:10 PM